CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG HỢP LÝ CHO TRẺ MẦM NON
- Thứ bảy - 19/02/2022 21:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trẻ ở độ tuổi này, các cơ quan chức năng đang dần hoàn thiện. Do đó, bên cạnh việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất giúp trẻ phát triển tốt thì các mẹ còn cần chú ý đến việc phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ mầm non.
Ngày nay cùng với sự phát triển chung của toàn xã hội, mỗi gia đình đều có cuộc sống đầy đủ và trình độ dân trí ngày càng được nâng cao. Chính vì vậy việc chăm sóc và giáo dục trẻ cũng được gia đình và xã hội quan tâm, nhất là tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.
Biểu hiện suy dinh dưỡng ở trẻ mầm non
Biểu hiện rõ rệt nhất của trẻ ở độ tuổi mầm non bị suy dinh dưỡng thường có chỉ số cân nặng và chiều cao thấp hơn bạn bè đồng trang lứa. Bên cạnh đó, trẻ rất biếng ăn, da xanh xao, dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn như: tiêu chảy và viêm đường hô hấp, ít vui chơi, kém linh hoạt, giảm khả nǎng tiếp thu và học tập
Điều đáng chú ý là những trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ thường rất ít khi được người nhà phát hiện. Bởi vậy, nếu không được khắc phục sớm sẽ dễ khiến tình trạng suy dinh dưỡng trở nên trầm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của con.
Cách phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ mầm non
Để phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ mầm non hiệu quả, mẹ nên xây dựng cho bé khẩu phần ăn hợp lý, giữ gìn vệ sinh và kết hợp bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.
Khẩu phần ăn phải cân đối giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cung cấp đủ năng lượng và các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển, các hoạt động vui chơi giải trí. Nếu trẻ ăn nhiều mà không hoạt động sẽ bị thừa năng lượng dễ gây béo phì, hoặc nếu trẻ ăn không đủ chất sẽ không đủ năng lượng cho cơ thể, khiến trẻ mệt mỏi, kém hoạt động dẫn đến suy dinh dưỡng. Một khẩu phần ăn cân đối, đủ chất là một trong những giải pháp hàng đầu giúp phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ mầm non.
Phấn đấu bữa ăn phải cân đối 4 nhóm chất dinh dưỡng
Một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là bữa ăn cung cấp đủ 4 nhóm chất cơ bản: đạm, đường, béo, vitamin. Ngoài tinh bột (cung cấp năng lượng), cần có đủ 3 món nữa là: rau quả, trái cây (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ); đậu phụ, vừng lạc, cá, thịt, trứng, sữa (cung cấp chất đạm, béo) và canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung giúp ăn ngon miệng. Mẹ nên cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm, thường xuyên thay đổi cách chế biến món ngon cho bé suy dinh dưỡng để trẻ thấy lạ miệng và sẽ ăn được nhiều hơn.
Giữ gìn vệ sinh môi trướng sống của trẻ
Mẹ nên đảm bảo vệ sinh thực phẩm, thức ăn cho bé cần nấu chín kỹ, không cho bé ăn thức ăn để qua ngày. Bên cạnh đó, mẹ cũng dùng nguồn nước sạch cho trẻ vệ sinh, tắm rửa và nấu ăn, hình thành cho con thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Ngoài ra, mẹ nên chú ý tẩy giun định kì cho bé 6 tháng/lần, bởi giun sán trong bụng sẽ hút hết các chất dinh dưỡng từ thức ăn khiến trẻ ăn hoài không lớn.